NGHỀ BIÊN DỊCH CÓ BỊ THAY THẾ BỞI CÔNG NGHỆ?

Trong thời kì công nghệ, có những lo ngại rằng chuyên viên dịch thuật có thể bị thay thế hoàn toàn bởi công nghệ. Tuy nhiên, tôi tin rằng vai trò của chuyên viên dịch thuật vẫn cần thiết và không thể hoàn toàn thay thế bởi công nghệ. Nguyên nhân xuất phát từ cả bản chất công việc và những vấn đề phụ trợ.

Trí tuệ nhân tạo vẫn còn hạn chế trong việc tạo ra bản dịch chất lượng tốt.

Đầu tiên, dịch thuật không chỉ đơn giản là việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nó liên quan đến việc truyền đạt thông điệp, ý nghĩa và cảm xúc một cách chính xác và hiệu quả. Chuyên viên dịch thuật không chỉ hiểu các từ ngữ mà còn hiểu được ngữ cảnh, văn hóa và sự tương quan giữa các ngôn ngữ. Họ có khả năng chọn từ phù hợp, sắp xếp câu trúc ngữ pháp và diễn đạt ý nghĩa một cách tự nhiên, điều mà công nghệ hiện tại vẫn chưa thể làm được một cách hoàn hảo.

Thứ hai, chuyên viên dịch thuật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của bản dịch. Công nghệ dịch thuật tự động có thể hữu ích trong việc dịch các văn bản đơn giản, nhưng nó còn nhiều hạn chế trong việc xử lý các văn bản phức tạp, như văn bản chuyên ngành, hợp đồng pháp lý hay văn bản văn học. Chuyên viên dịch thuật không chỉ biết cách chọn từ ngữ phù hợp, mà còn hiểu sâu về lĩnh vực chuyên môn và luôn đảm bảo tính chính xác và sự hiệu quả của bản dịch.

Thứ ba, dịch thuật không chỉ đơn thuần là việc chuyển đổi từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà còn đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và linh hoạt. Chuyên viên dịch thuật có thể phải đưa ra quyết định khó khăn về việc lựa chọn từ ngữ, áp dụng phong cách dịch thuật phù hợp và thể hiện đúng ý nghĩa của nguyên tác. Những khả năng này là những yếu tố mà công nghệ chưa thể đạt được. Dưới đây là một ví dụ mà bản thân tôi và nhóm đã phải mất 15 phút tra cứu tên nguyên tác trong khi Google và ChatGPT phải “bó tay”:

Chưa có công nghệ thay thế được các thao tác xử lý văn bản thủ công trước và sau quá trình dịch

Nếu như chúng ta có thể bỏ qua vấn đề chất lượng bản dịch, thì vẫn còn nhiều vấn đề khác mà chỉ có thao tác thủ công của con người mới xử lý được. Đầu tiên, còn những vấn đề đáng cân nhắc liên quan đến văn bản đầu vào (input). Thực tế, biên dịch viên sẽ nhận được một tệp tin chứa văn bản không thể chỉnh sửa như .pdf (đặc biệt các đề án, hợp đồng, hồ sơ, giấy tờ có đóng mộc) từ khách hàng. Tuỳ vào độ dài văn bản mà biên dịch viên sẽ quyết định tự dịch thủ công và gõ từng chữ hoặc sử dụng các công cụ CAT (Computer-Assisted Translation, tôi xin nhấn mạnh là CAT chứ không phải Machine Translation như Google Dịch). Vậy mấu chốt sẽ là: Công nghệ phải có khả năng nhận diện chữ viết thì mới thay thế được con người trong khâu này. Hiện tại đã có rất nhiều công cụ nhận dạng ký tự quang học (OCR) được áp dụng rộng rãi để chuyển chữ viết dạng hình ảnh sang văn bản có thể chỉnh sửa, nhưng chúng vẫn chưa thực sự hiệu quả khi nhận diện các con chữ Tiếng Việt có hệ thống các dấu thanh. Sai dấu thanh và lỗi font chữ là hai vấn đề thường gặp nhất. Bên cạnh đó, các công cụ này dù mạnh mẽ đến mấy cũng không thể nhận diện hoàn chỉnh chữ viết tay, khi chính con người cũng gặp khó khăn khi đọc chữ viết tay của người khác. Văn bản bên cạnh là một ví dụ mà bản thân tôi và đội ngũ đã “căng mắt” ra để dịch vì các công cụ OCR không xử lý được.

Chính vì thế, tôi xin phép tạm kết luận: Con người vẫn phải đóng vai trò quan trọng trong các khâu xử lý văn bản.

Vậy, công nghệ có thực sự “vô dụng” với nghề biên dịch?

Câu trả lời chắc chắn là không. Thực tế, vị trí biên dịch viên tại các công ty đòi hỏi năng lực sử dụng (ít nhất) một công cụ CAT và các công cụ xử lý văn bản. Có thể thấy công nghệ là một yếu tố hậu cần thiết yếu với nghề. Yêu cầu công việc này là hoàn toàn hợp lý vì các lý do sau:
Thứ nhất, việc áp dụng công nghệ vào dịch thuật sẽ đẩy nhanh tiến độ dịch thuật. Dù là công cụ CAT nào cũng đều hỗ trợ biên dịch viên trong việc tách câu và dịch sẵn từng câu. Biên dịch viên chỉ cần kiểm tra lại từng câu đã được dịch sẵn và chỉnh sửa nếu cần thiết. Dù bản dịch của CAT vẫn chưa thực sự đạt chất lượng tốt nhất, nhưng việc hiệu chỉnh bản dịch của CAT chắc chắn sẽ nhanh hơn nhiều so với việc con người tự dịch tự gõ văn bản.
Thứ hai, việc áp dụng công nghệ vào dịch thuật sẽ nâng cao được chất lượng bản dịch. Các công cụ CAT ngày nay đều có sẵn các bộ thuật ngữ chuyên ngành, và chính sự “máy móc” của máy tính có thể tạo nên sự thống nhất cao khi chúng áp dụng thuật ngữ và các câu chữ đặc thù. Ngoài ra, các CAT đều được tích hợp thêm các công cụ dịch ngược (back translation) và đối sánh bản dịch (translation comparison) nên biên dịch viên có thêm nhiều nguồn tham khảo để đưa ra được quyết định dịch thuật có chất lượng tốt nhất.
Tóm lại, dù công nghệ dịch thuật tự động đã phát triển đáng kể, chuyên viên dịch thuật vẫn đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế hoàn toàn bởi công nghệ. Sự hiểu biết sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa và ngữ cảnh, khả năng tư duy sáng tạo và linh hoạt, cùng với khả năng đảm bảo chất lượng và độ tin cậy của bản dịch, là những yếu tố mà chỉ chuyên viên dịch thuật có thể mang lại.

Trương Anh Khoa

Call Now