Tự cổ chí kim, loài hổ luôn được mệnh danh là “Bách thú chi vương” – chúa tể sơn lâm. Theo tín ngưỡng dân gian, người xưa quan niệm rằng trên gương mặt của hổ xuất hiện chữ Vương “王” chính là đại diện cho sự quyền uy và dũng mãnh vô song khiến muôn loài đều phải khiếp sợ. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, thật không khó để có thể nhận ra hình tượng loài hổ luôn có chỗ đứng trang trọng cũng như nhận được tôn sùng trên nhiều phương diện từ văn hóa, nghệ thuật, quân sự đến phong tục tập quán v..v, qua đó càng gợi lên trong lòng đại chúng những liên tưởng về sức mạnh oai hùng, bản tính lạnh lùng của một kẻ săn mồi thượng đẳng và đồng thời cũng là một biểu tượng cho phẩm chất của người chiến binh quả cảm nơi sa trường.
- Hình tượng loài hổ trong lĩnh vực quân sự:
Có thể nói với bản chất uy dũng vô song của mình thì sự tôn sùng dành cho loài hổ trong khía cạnh quân sự là rất lớn. Từ xa xưa, khi những chiến binh ra trận lập chiến công hiển hách thì đều nhận được thụ phong cấp hàm như hổ binh, hổ tướng hoặc hổ soái để vinh danh. Cùng với đó, tầng lớp thống trị còn đưa hình ảnh con hổ vào “hổ phù”, là tín vật chuyên dùng để điều binh khiển tướng, mang hàm ý tượng trưng cho quyền lực tuyệt đối của bậc đế vương.
- Hình tượng loài hổ trong phong tục tập quán dân gian
Ngay từ thời nhà Hán, cổ nhân đã có những ghi chép tương đối cụ thể về hình tượng loài hổ trong phong tục tập quán dân gian. Cụ thể, trong điển tích “Phong tục thông sử” của sĩ giả Ứng Thiệu có đoạn viết: “Hổ là song đại linh thần, hợp nhất với rồng tạo thành bộ đôi Tả thanh long – hữu bạch hổ trấn thủ Thiên môn, trừ tà diệt bạo oai hùng tứ phương”. Chính vì lẽ đó, hổ đã được người xưa tôn sùng và thần thánh hóa với tập tục thờ hổ hay thờ thần hổ, qua đó ngày càng nhân rộng và đi sâu vào tín ngưỡng dân gian của người Hán nói chung cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng. Đặc biệt hơn, ở những khu vực dân cư thưa thớt hay chốn rừng thiêng nước độc thì hổ lại càng được tôn kính và thờ phụng như một vị thần giám hộ, là biểu tượng cho sự bảo vệ về mặt tâm linh.
- Hình tượng loài hổ trong văn học – nghệ thuật
Trong văn học Trung Hoa, hổ xuất hiện trong nhiều tác phẩm kinh điển như: Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa v..v. Trong tác phẩm Tây Du Ký có nhiều đoạn miêu tả Đường Tam Tạng bị Hổ quái tấn công khi trên đường sang Tây Thiên thỉnh kinh, phải nhờ đến tài nghệ của Tôn Ngộ Không để hóa giải khó khăn.
Nổi tiếng nhất là điển tích Võ Tòng đả hổ trong danh tác Thủy Hử, chuyện kể rằng khi Võ Tòng đi ngang qua huyện Dương Cốc (nay là thành phố Liễu Thành) thì gặp phải một tửu quán ven đường, bên ngoài cửa quán ghi là “Uống 3 chén không nên qua đồi”. Võ Tòng với bản chất là một người mê rượu, thấy dòng chữ này tự nhiên cảm thấy không hài lòng nên đã thắc mắc, chủ quán đành thuật lại trong huyện có con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người trên đồi Cảnh Dương, ai uống quá say không nên đi qua đó. Võ Tòng nghe vậy rất phẫn nộ, sau khi uống một mạch hết rượu trong quán, ông gói ghém hành lý quyết liều một phen lên đồi đả hổ. Tìm một hồi lâu, đến lúc trời chạng vạng sáng thì bắt gặp hổ đang xuất sơn, Võ Tòng không nói không rằng lao vào một tay ghì đầu hổ xuống đất, một tay liên tục ra đòn hiểm khiến hổ không thể chống cự và đành thúc thủ.
Trong nghệ thuật, con hổ do là hiện thân của sức mạnh nên thường được thêu trang trí trên áo tướng quân, hoặc điêu khắc hay tạc tượng nơi miếu đình. Trong chế độ phong kiến, khi rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ lại được xem như là biểu tượng của tầng lớp võ tướng. Có thể nói, hình tượng con hổ trong nghệ thuật nói chung đã có sự thể hiện đa sắc, lan tỏa một cách sâu rộng từ phong thủy đến định hình thiết kế hội họa nhằm khẳng định vị trí mang tính biểu tượng cũng như góp phần tạo nên những nét đặc trưng của nền văn học nghệ thuật truyền thống Trung Hoa.
Có thể nói, hình tượng con hổ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng, chỉ đứng sau con rồng. Trong Chu dịch Càn quái văn ghi chép rằng: “Mây từ rồng, gió từ hổ”, rồng bay trên trời, hổ đi dưới đất, rồng hổ kết hợp thành biểu tượng của sự cát tường, thịnh vượng và quyền uy, là nét đặc sắc của văn hóa truyền thống. Chính vì lẽ đó, rồng và hổ luôn có tầm ảnh hưởng rõ nét được thể hiện qua nhiều khía cạnh như chính trị, quân sự, y học, nghệ thuật cũng như là biểu tượng cho tinh thần và khí thế hào hùng của dân tộc Trung Hoa.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bao gồm bách khoa toàn thư mở Bách Độ, tạp chí văn hóa Đông Phương, tập san Thời Đại Bắc Kinh.