Chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu đợt thực tập tốt nghiệp của các bạn sinh viên năm cuối ngành biên phiên dịch. Chắc hẳn các bạn đang băn khoăn lo lắng không biết cần chuẩn bị những gì và trong quá trình thực tập sẽ đảm trách những công việc gì đúng không nào? Bài viết này sẽ tháo gỡ các vướng mắc đó và giúp các bạn cảm thấy tự tin hơn khi bước vào giai đoạn quan trọng này.
- Chuẩn bị trước khi thực tập
- Tìm nơi thực tập: Khoa Ngoại ngữ luôn khuyến khích các bạn sinh viên chủ động tìm nơi thực tập đúng với mong muốn và nguyện vọng của bản thân. Trước giai đoạn thực tập, các bạn sẽ có thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp hay tổ chức một cách tỉ mỉ và kĩ càng hơn. Khi chọn nơi thực tập, các bạn nên chú ý đến những công ty/tổ chức có uy tín, có giấy phép đăng kí đầy đủ. Việc tìm hiểu thêm về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực hoạt động và quy mô của công ty/tổ chức cũng rất cần thiết.
- Ứng tuyển: Các bạn cần lưu ý rằng có những công ty yêu cầu kiểm tra hoặc thi tuyển để nhận sinh viên thực tập. Các bạn cần nộp hồ sơ và liên hệ với doanh nghiệp để nắm được cách thức và quy trình ứng tuyển.
- Sự hỗ trợ của Khoa Ngoại ngữ: Trong trường hợp các bạn không tìm được nơi thực tập, Khoa Ngoại ngữ sẽ hỗ trợ và giới thiệu nơi thực tập phù hợp.
- Ôn lại kiến thức và kĩ năng biên phiên dịch: các bạn xem lại những kiến thức đã được học, tập dịch một số tài liệu thông dụng như hồ sơ cá nhân( sơ yếu lí lịch, chứng minh nhân dân, giấy khai sinh….), blog, bài báo, hợp đồng,… sao cho phù hợp với lĩnh vực hoạt động của công ty đang ứng tuyển. Việc này sẽ giúp các bạn làm quen với môi trường làm việc nhanh hơn cũng như tiếp nhận công việc một cách suôn sẻ hơn.
- Các công việc thường làm khi thực tập
- Đọc tài liệu được giao và nghiên cứu từ vựng, thuật ngữ chuyên ngành;
- Dịch văn bản, tài liệu từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích;
- Hỗ trợ chuẩn bị và/ hoặc phiên dịch trong cuộc họp;
- Chuẩn bị phụ đề cho video và bài thuyết trình trực tuyến khi được yêu cầu;
- Tham gia hiệu đính các văn bản đã dịch để đảm bảo độ chính xác về ngữ pháp, chính tả và dấu câu;
- Chỉnh sửa nội dung theo hướng duy trì định dạng ban đầu (ví dụ: phông chữ và cấu trúc), theo yêu cầu của người hướng dẫn;
- Tiếp xúc và sử dụng thành thạo một số phần mềm dịch thuật;
- Một số công việc văn phòng thông dụng như soạn thảo văn bản, xử lý in ấn, lưu trữ hồ sơ,…
- Những lưu ý khi đi thực tập
- Luôn đến đúng giờ: ở môi trường làm việc, các bạn cần tuân thủ giờ giấc làm việc nghiêm chỉnh;
- Luôn có thái độ nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao, và học hỏi: cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, không trễ hạn. Nếu có vấn đề gì các bạn cần báo trước cho người quản lý;
- Thân thiện hòa đồng với mọi người;
- Biết quan sát và thích ứng với văn hoá làm việc của công ty.
Hi vọng những chia sẻ nho nhỏ này sẽ giúp các bạn tự tin đi thực tập vào thời gian tới!
Phạm Thị Ngoan