Từ lúc đi dạy chính thức đến giờ cũng ngót nghét gần 4 năm. Học trò ngoan có, quậy cũng có, thờ ơ cũng có. Có những học sinh đặt những câu hỏi rất hay, nhưng câu hỏi mà tôi nhận được rất nhiều từ học sinh đó là: “Làm sao cô biết mình hợp với nghề giáo?”. Chà, câu hỏi thú vị đấy. Không lẽ mình nói là do cảm tính, hay do thấy ngành này đang hot nên chọn thôi chứ không hề biết hợp vậy? Không. Tôi đã tìm ra câu trả lời cho bản thân mình từ rất lâu rồi.
Từ khi còn bé, lúc đã nhận thức được mẹ đi dạy để kiếm tiền nuôi sống tôi, nhận thức được đứng lớp là như thế nào, tôi đã thử sức với nó. Tôi nhớ đó là khi tôi học lớp 4, nhỏ em họ tôi thì vừa lớp 2, cùng với thằng hàng xóm cũng lớp 2, tôi đã thành lập một lớp học tại nhà. Mượn tấm bảng mẹ hay viết ghi chú dặn dò tôi, tôi dạy Toán cơ bản cho 2 đứa nhỏ ở nhà. Ban đầu nghe bọn chúng cáu vì không hiểu tôi nói gì, tôi cũng khó chịu lắm. Nhưng một khi nhìn thấy chúng gật gù, mắt chữ A mồm chữ O, thì tôi đã biết là cái nghề này đã chọn tôi rồi. Dần dần, từ những phép tính đơn giản, khi lên những lớp cao hơn, tôi chuyển sang dạy chúng tiếng Anh, thậm chí vừa học xong ở lớp tôi đã ào chạy về để gọi chúng ra giảng bài. Niềm đam mê chia sẻ kiến thức của tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, họ nói rằng nếu bạn có kiến thức nhưng cứ giữ cho riêng mình thì cái mà bạn có không phải là kiến thức (không biết đúng không nhưng đại loại là như vậy). Thật đúng vậy, mỗi khi học được điều gì đó mới, tôi đều muốn đem chia sẻ nó cho mọi người. Nếu điều đó không được chia sẻ, nó sẽ trôi vào quên lãng, và sẽ không còn được gọi là kiến thức nữa.
Ngược lại, tôi cũng rất thích lắng nghe người khác. Nhiều người nói làm giáo viên thì đâu cần phải có kỹ năng lắng nghe, mình là người truyền đạt kiến thức mà?! Không, họ đã lầm. Nghề nào cũng cần biết lắng nghe, làm nhà giáo cũng vậy. Nghe góp ý từ cấp trên, nghe chia sẻ từ đồng nghiệp, nghe và tiếp thu kiến thức mới, và lắng nghe cả học sinh của mình. Tôi đã từng được học một cô giáo có cách dạy rất hay, cô không nói nhiều trong tiết dạy của mình, phần lớn thời gian cô dành cho việc lắng nghe cả lớp chia sẻ. Trước ngày học, cô dặn cả lớp về đọc sách và tìm hiểu về chủ đề đó. Hôm sau khi lên lớp, các bạn sẽ lần lượt chia sẻ cảm nhận của mình, thật kỳ lạ, khi đó tôi được nhìn chủ đề đó ở nhiều khía cạnh khác nhau mà trước giờ mình không biết. Học từ đó, tôi cố gắng làm cho tiết học mình càng đa chiều càng tốt, như vậy, tôi vừa biết được cách suy nghĩ của học sinh, vừa luyện tập kỹ năng phản biện cho chúng – một kỹ năng rất quan trọng trong thời buổi công nghệ hiện nay.
Làm giáo viên là vậy, phải biết cho và biết nhận:
- Cho kiến thức, cho tình yêu thương, cho lòng bao dung.
- Nhận kiến thức, nhận sự thấu hiểu, nhận sự cảm thông.
Vì vậy, với câu hỏi trên, tôi luôn thẳng thắn trả lời cho các học sinh là: Đối với tôi, để biết mình có hợp làm giáo viên hay không, bạn phải xem mình có thể cho và nhận được hay không. Nếu có thể cho nhưng không muốn nhận, hoặc không muốn cho và chỉ muốn nhận, thì tôi nghĩ bạn nên xem lại bạn có thích hợp với nghề này không nhé. Hơn nữa, không có ai sinh ra là hợp hay không hợp với bản thân mình cả, chỉ khi bạn tìm được nghề mình yêu quý. Lúc đó, bạn phải phấn đấu nỗ lực hết mình với quyết định của mình, luôn trau dồi và chia sẻ kiến thức để ngày một tốt hơn. Không có một con đường nào bằng phẳng hết, chỉ cần bạn cố gắng thì bạn sẽ được vinh quang. Tôi tin là vậy!
Chúc bạn may mắn trên con đường lựa chọn nghề nghiệp của mình, và một khi đã xác định được đam mê của mình, hãy không ngừng nỗ lực nhé!
ThS Bùi Thị Anh Thư