Tết Tây (còn gọi là Tết Dương lịch) và Tết Ta (Tết Âm lịch, Tết Nguyên Đán) đã tồn tại hàng ngàn năm nay, song song nhau. Dù vậy, chúng có sự khác biệt rất lớn trong quan niệm và phong tục của người dân.
Xét về bản chất, ngày Tết dùng để đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới. Dù vậy, thời điểm của Tết Tây và Tết Ta lại có sự chệnh nhất định do Tết Tây dựa vào chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời. Ngược lại, Tết Ta dựa vào chu kỳ mặt trăng quay quanh Trái Đất (vì thế Tiếng Anh dùng từ “Lunar New Year” – với “lunar” nghĩa là “mặt trăng” – để chỉ Tết Nguyên Đán).
Vào ngày đầu năm, người phương Tây có thói quen ra ngoài để ăn mừng, gặp gỡ, vui chơi và tận hưởng các hoạt động tập thể bên ngoài. Họ không dành nhiều thời gian cho gia đình vào dịp đầu năm vì đối với người phương Tây thời gian đặc biệt ý nghĩa và quan trọng nhất của họ dành cho gia đình là đêm Giáng Sinh. Họ đã dành toàn bộ thời gian này để sum vầy bên gia đình, con cái. Vì vậy, trong quan niệm của người phương Tây, năm mới đơn giản chỉ là một ngày nghỉ hoặc là sự bắt đầu của một năm.
Các hoạt động trong kỳ nghỉ Tết của người phương Tây thường ít hơn người phương Đông.
Ngược lại, người Phương Đông quan niệm rằng ngày Tết là dịp sum vầy gia đình và mọi thứ đều phải tốt đẹp để khởi đầu một năm mới “đầu xuôi đuôi lọt”. Từ quan niệm này, phong tục vào ngày Tết của người Á Đông trước, trong và sau ngày Tết phức tạp và phong phú hơn rất nhiều. Các phong tục truyền thống, kiêng kỵ ngày Tết được người Việt rất chú trọng nhằm đem đến tài lộc, thịnh vượng cho gia đình. Khoảng vài tuần trước Tết, họ thường sơn sửa và trang hoàng nhà cửa để tiện bề đón con cháu và khách đến chơi nhà. Trong những ngày Tết, họ cũng hay diện quần áo mới để đi thăm viếng người thân dòng họ, mang đến cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Trong suốt những ngày Tết, họ cũng có nhiều điều kiêng kỵ để tránh mất tài lộc của gia đình. Một số tục kiêng kỵ có thể nhắc đến như kiêng quét nhà, không làm vỡ, bể đồ vật, kiêng cho lửa, nước đầu năm, tránh cãi vã, bất hòa trong năm mới,…. Tất cả đều hướng tới sự mới mẻ, nhiều may mắn, sức khoẻ, hạnh phúc, công việc thuận lợi,…
Sự khác biệt trong phong tục và ý nghĩa văn hóa khiến cho ngày Tết ở Việt Nam và Phương Tây trở nên độc đáo và đặc sắc theo cách riêng của mình. Dù vậy, trong thời đại hội nhập và toàn cầu hoá, mọi khoảng cách ngày càng được thu hẹp. Sự giao thoa giữa hai nền văn hoá ngày càng tạo nên sự độc đáo, phong phú, hài hoà.
Trương Anh Khoa