Istanbul – Vương Quốc Loài Mèo

Nếu bạn là một người yêu mèo, thì thành phố Istanbul chính là địa điểm cần phải có trong danh sách du lịch năm nay của bạn. Istanbul thường được gọi là Catstanbul, theo một cách chơi chữ, vì nơi đây tập trung khá nhiều mèo hoang rong ruổi khắp thành phố.

Tại sao Istanbul lại có rất nhiều mèo?
Istanbul được biết đến là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là trung tâm văn hóa của châu Âu với kiến trúc mái vòm đặc biệt của các thánh đường Hồi giáo, cung điện và nhà thờ. Theo ước tính thành phố Istanbul hiện là nơi trú ẩn của hơn 100 ngàn cư dân bốn chân dễ thương này. Theo một số ghi chép lịch sử thời Đế chế Ottoman vào thế kỷ 15 và 16, một số lượng lớn các ngôi nhà ở Istanbul được làm bằng gỗ, chúng dường như trở thành nơi trú ẩn lý tưởng cho loài chuột gặm nhắm. Kể từ đó, những chú mèo hoang được coi là linh vật của thành phố, bảo vệ Istanbul khỏi sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm do chuột gây ra và giữ cho thành phố luôn sạch sẽ.

Một trong số những lý do khác để Istanbul dần trở thành thành phố yêu mèo nhất là bởi vì mèo được người Hồi giáo (hơn 90% dân số Istanbul theo dòng Sunni) tôn là loài vật linh thiêng, vì sự “sạch sẽ” của chúng. Theo đạo Hồi, người ta tin rằng mèo vốn dĩ rất sạch sẽ vì chúng luôn tự làm sạch bộ lông của mình và thức ăn của mèo được cho rằng không bị cấm theo quy chuẩn Halal (Halal nghĩa là hợp pháp, theo ngôn ngữ Ả rập), chẳng hạn như thịt lợn hay thịt loài bò sát vốn là điều cấm kỵ. Loài mèo thậm chí còn được phép đi vào nhà của người dân cũng như nhà thờ Hồi giáo cho thấy sự mến mộ đặc biệt của người dân Istanbul dành cho những chú mèo.
Mối quan hệ giữa người dân Istanbul và mèo hoang

Nếu có dịp lang thang khắp các con phố ở Istanbul, bạn dễ dàng tìm thấy những phần thức ăn cho mèo được đặt dọc theo những ngôi nhà và những túp lều nhỏ êm ái trong công viên do người dân dựng lên làm chỗ ngủ ấm cúng cho những chú mèo hoang trong mùa đông giá lạnh.
Thật vậy, hầu hết người dân địa phương không coi những người bạn tí hon này là mèo đi lạc như những người ở nơi khác. Thay vào đó, chúng được coi là vật nuôi thuộc sở hữu chung của quốc gia. Mặc dù mèo hoang không được nuôi ở trong nhà, nhưng chúng đều được cho ăn uống đầy đủ và thường xuyên được đưa đến bác sĩ thú y để tiêm phòng chích ngừa các loại bệnh.

Một câu nói phổ biến ở cộng đồng Hồi giáo: “Nếu bạn làm tổn thương loài mèo thì phải xây cả thánh đường để được Chúa tha thứ”, hay một đạo luật mới được Thổ Nhĩ Kỳ thông qua nhằm đảm bảo hành lang pháp lý cho việc ngăn chặn những hành vi tàn ác với động vật đã nêu rõ rằng bất kỳ hành động nào từ tra tấn đến sát hại động vật mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tù. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy những chú mèo thật sự trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa và người dân Istanbul.
Phuong Nguyen

Call Now