[Bài viết song ngữ] CÁC LỄ HỘI TRONG THÁNG 7 CỦA NGƯỜI NHẬT

Nhật Bản được các bạn sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản NTTU biết đến là đất nước vô cùng đặc sắc, với những lễ hội truyền thống lâu đời được lưu giữ từ ngàn năm nay. Mỗi tháng tại Nhật, đều có rất nhiều lễ hội được tổ chức và thường kéo dài trong nhiều ngày. Chúng ta hãy cùng các bạn sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản –  ngành Đông phương học –  Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU)  khám phá những lễ hội này nhé.

Tháng 7 ở Nhật rơi vào mùa hè, đây là thời gian nóng nhất trong năm ở Nhật Bản. Tuy thời tiết có nóng, có khắc nghiệt nhưng những lễ hội trong tháng 7 ở Nhật Bản lại rất náo nhiệt, sôi động và đầy màu sắc mà các bạn không nên bỏ qua khi khám phá Nhật Bản.

Dưới đây là những lễ hội đặc sắc nhất trong tháng 7 tại Nhật, cùng sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật Bản (ngành Đông phương học – NTTU) khám phá nhé!

  • Lễ hội Tanabata

Đầu tiên phải kể đến lễ hội Tanabata, diễn ra vào ngày 7 tháng 7, hay còn được gọi là Ngày Lễ Thất Tịch (七夕). Lễ hội Tanabata là một lễ hội đẹp và lãng mạn nhất trong các lễ hội của Nhật Bản. Ở Nhật, nơi nào cũng tổ chức ngày lễ Tanabata, nhưng lớn nhất là 3 thành phố: Sendai (tỉnh Miyagi), thành phố Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và thành phố Anjou (tỉnh Aichi). Lễ hội Tanabata là một lễ hội ngắm sao của Nhật Bản. Lễ hội Nhật Bản này kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai vị thần Orihime và Hikoboshi (đại diện cho chòm sao Chức Nữ và chòm sao Ngưu Lang). Hàng năm cứ vào ngày này tại Nhật Bản, người ta lại tổ chức lễ hội sao hay còn gọi là ngày lễ Thất Tịch. Lễ hội Tanabata Nhật Bản có nguồn gốc từ truyền thuyết về người con gái đã dệt nên dải Ngân hà, về một mối tình bị chia cắt, và chỉ duy nhất trong ngày 7 tháng 7 này, hai ngôi sao ở hai đầu dải Ngân Hà mới được trùng phùng. Hiện nay ở Nhật Bản, vào những ngày lễ hội Tanabata, người ta thường viết những lời cầu nguyện vào một mảnh giấy nhỏ và sau đó treo chúng lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Cây tre và đồ trang trí thường được đưa lên thuyền trôi nổi trên mặt sông hoặc là đốt đi sau khi lễ hội Nhật Bản này kết thúc. Màu sắc chủ đạo để trang trí cành tre theo thuyết ngũ hành, nghĩa là gồm 5 màu xanh lục, hồng, vàng, trắng, đen. Ngoài ra nhiều đôi lứa đang yêu cũng tới các đền thờ để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân. Lễ hội Tanabata ở Nhật cũng có nguồn gốc gần giống như “Tết Trung Nguyên” – rằm tháng bảy ở Việt Nam mà gắn liền với sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ.

  • Lễ hội Obon

Tiếp đến, chúng ta cùng tìm hiểu lễ hội Obon (15 tháng 7), Lễ hội Obon hay còn có tên gọi khác là lễ hội Bon hay lễ hội của những con thuyền. Lễ hội này đã có cách đây khoảng 500 năm và liên quan đến một câu chuyện có liên quan tới Phật giáo. Nguồn gốc của lễ hội Obon bắt nguồn từ một người tên là Mokuren. Ông là một đệ tử của Phật giáo đã tu hành nhiều năm và đạt được pháp lực cao siêu. Khi có được pháp lực đủ lớn, ông muốn tìm về linh hồn của người mẹ mất sớm để báo hiếu công sinh thành của bà. Khi tìm được linh hồn của mẹ ông mới biết mẹ bị đày xuống địa ngục chịu rất nhiều đau khổ. Không biết làm sao, Mokuren đã tìm đến Đức Phật để hỏi cách giải thoát cho linh hồn của mẹ mình. Đức Phật thấy lòng hiếu thuận của Mokuren nên đã mách cho ông một cách đó là chuẩn bị lễ vật để cúng cho các nhà tu đang tu hành trong dương gian vào đúng ngày 15 tháng 7. Mokuren làm theo và khi hoàn thành lễ cúng thì linh hồn của mẹ ông được siêu thoát có thể trở lại nhân gian gặp người thân. Quá đỗi vui mừng, Mokuren đã nhảy múa khi gặp lại được linh hồn của mẹ.

Câu chuyện về lòng hiếu thảo của Mokuren được rất nhiều người biết đến. Từ đó về sau, cứ hàng năm người dân Nhật Bản lại tổ chức lễ hội Obon (lễ hội Bon) để thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ và đối với linh hồn của những người đã mất. Điệu nhảy mà Mokuren nhảy múa khi được gặp lại mẹ của mình cũng được người Nhật học theo và gọi điệu múa này là điệu múa Bon hay Bon Odori. Theo truyền thuyết, Mokuren đã làm lễ cúng các nhà sư vào ngày 15 tháng 7. Đúng ra, ngày 15 tháng 7 sẽ là ngày mà lễ hội Obon được tổ chức. Tuy nhiên mỗi vùng lại hiểu truyền thuyết theo một cách khác nhau. Điều này dẫn đến việc lễ hội Bon có nhiều thời điểm tổ chức khác nhau tùy theo từng vùng khác nhau. Lễ hội Obon là một trong những lễ hội đèn lồng có truyền thống lâu đời tại Nhật, lễ hội này cũng được người Nhật coi như Đại lễ Vu Lan báo hiếu bởi đây là cơ hội để con cái thể hiện sự hiếu thảo, trân trọng và biết ơn tới các bậc sinh thành, dưỡng dục. Trong những ngày đầu tiên của lễ hội, đèn lồng sẽ được treo trước cửa nhà để mời tổ tiên về viếng thăm, người ta sẽ đi thăm viếng, dọn dẹp sửa chữa lại lăng mộ. Còn trong ngày cuối cùng, những chiếc đèn lồng sẽ được đem đi thả ở sông, hồ, bờ biển để tiễn đưa linh hồn của những người đã khuất về lại thế giới của họ. Thông thường trong đêm hội cuối cùng sẽ có cả pháo hoa được bắn kèm.

  • Lễ hội Gion

Thứ ba là lễ hội Gion, được tổ chức tại đền Yasaka tại Kyoto, là một trong 3 lễ hội lớn nhất tại Nhật Bản cùng với lễ hội Tenjin ở Osaka và lễ hội Kanda ở Tokyo. Lễ hội kéo dài trong một tháng từ 1/7 đến 31/7 với nhiều hoạt động rước kiệu, đốt lửa vô cùng nào nhiệt, là một điểm nhấn của mùa hè tại cố đô Kyoto. Lễ hội Gion có lịch sử hơn 1000 năm, được bắt đầu từ năm 869 tại đền Yasaka và năm 2009, lễ hội này đã được đăng ký di sản văn hóa vô hình của UNESCO. Những chiếc xe kéo khổng lồ Yamaboko  cao tới 25m, chiếc nặng nhất có thể lên tới 12 tấn được trang trí với rất nhiều đèn lồng di chuyển ở giữa con phố tại trung tâm thành phố Kyoto với ý nghĩa xua đuổi bệnh tật và cầu mong thần linh mang tới nhiều điều an lành. Tổng cộng sẽ có 33 cỗ xe Yamaboko khổng lồ được kéo trong 1 tháng lễ hội tưng bừng, trong đó 23 cỗ xe được kéo vào đợt đầu của lễ hội và 10 cỗ xe được kéo vào đợt sau của lễ hội. Mỗi chiếc xe Yamaboko này được kéo bởi 40-50 người và trên xe có 40-50 người ngồi biểu diễn bằng các nhạc cụ trống-sáo-chuông theo giai điệu nhạc Gion Bayashi.Yamaboko được diễu hành qua các khu phố chính ở Kyoto như Shijo Doori (từ ga Kawaramachi đến ga Karasuma), Kawaramachi Doori (từ ga Kawaramachi đến ga Kyoto Shiyakusho), Oike Doori (từ ga Kyoto Shiyakusho đến ga Karasuma Oike Doori). Lễ hội diễn ra trong cả tháng 7, tuy nhiên sôi động nhất là 3 ngày Yoiyama (14/7 ~ 16/7) và Sakimatsuri (17/7) tại lễ hội trước và sau khoảng 1 tuần thì sẽ diễn ra Atomatsuri (24/7) tại lễ hội sau. Cũng trong đó, hoạt động độc đáo thú vị nhất phải kể đến lễ diễu hành Yamaboko Yunko diễn ra vào ngày 17/7 lần lượt qua các con phố náo nhiệt nhất của Tokyo. Bên cạnh lễ diễu hành thì Gion còn vô vàn những hoạt động vui chơi lành mạnh khác như
lễ dựng kiệu Hoko kama, nghi thức thanh tẩy…

  • Lễ hội Tenjin

Thứ tư, lễ hội Tenjin – 天神祭, diễn ra ở Osaka là một trong ba lễ hội lớn nhất của Nhật Bản, cùng với lễ hội Gion ở Kyoto và lễ hội Kanda ở Tokyo. Lễ hội bắt nguồn từ thế kỉ thứ 10 và được tổ chức vào ngày 24 và 25 tháng 7 hàng năm. Ngày 25 là ngày chính của lễ hội với màn lễ rước trên đất liền cùng lễ rước trên sông và buổi tối có màn biểu diễn pháo hoa ban đêm vô cùng hoành tráng. Tenjin Matsuri là lễ hội của đền Tenmangu nhằm tôn vinh vị thần cai quản Sugawara Michizane, vị thần của sự uyên bác. Mặc dù cuối tháng 7 thời tiết Osaka rất oi bức nhưng hàng vạn du khách khắp nơi trong Nhật và quốc tế vẫn đổ về đây để tận hưởng không khí lễ hội và cảm nhận văn hoá truyền thống của Nhật Bản.

  • Lễ hội pháo hoa sông Sumida

Và cuối cùng, lễ hội pháo hoa sông Sumida, được tổ chức vào thứ 7 cuối cùng của tháng 7 hàng năm. Đây là lễ hội pháo hoa lộng lẫy với pháo hoa được bắn lên liên tiếp không ngừng từ 2 điểm bắn là quận Taito – nơi có ngôi chùa Sensoji và quận Sumida – nơi có Tokyo Sky Tree. Lịch sử của lễ hội pháo hoa Sumidagawa bắt đầu từ thời kỳ Edo cách đây khoảng 400 năm trước. Khi đó, có nhiều người đã chết do nạn đói xảy ra vào năm 1732 và vào năm sau đó, để làm xoa dịu linh hồn của những người đã chết, cũng như xua tan bệnh dịch, Shogun đời thứ 8 là Tokugawa Yoshimune đã tổ chức Lễ tế thần nước có tên là “Lễ hội pháo hoa Ryogoku”. Đó chính là sự bắt đầu của “Lễ hội pháo hoa sông Sumida”. Lễ hội này cũng đã có lúc bị gián đoạn bởi chiến tranh hay do vấn đề ô nhiễm nước sông, sau khi được đổi tên thành “Lễ hội pháo hoa sông Sumida” năm 1978, lễ hội đã được định hình như hiện nay.

Tạm gác lại việc tìm hiểu văn hóa tại đây, thông qua những nét độc đáo, thú vị của những lễ hội trong văn hóa Nhật Bản kể trên, các bạn có nhận ra rằng: Văn hóa Nhật quả thật rất đa dạng, đặc sắc và hấp dẫn phải không nào?

Đến với trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) nói chung, ngành Ngôn ngữ Nhật Bản nói riêng, bên cạnh việc trao dồi khả năng ngôn ngữ, các bạn sinh viên cũng được khám phá thêm những điều mới mẻ, thú vị về đất nước, văn hóa, con người tương ứng với ngôn ngữ mà các bạn sinh viên đang theo học, đó là những bài học thú vị mà sinh viên NTTU sẽ được tiếp cận trong chương trình đại học. Nếu bạn đang có đam mê tìm hiểu về Nhật Bản, yêu thích tiếng Nhật thì hãy trở thành một thành viên của gia đình Ngôn ngữ Nhật Bản (ngành Đông phương học – NTTU) để có thể cùng nhau trải nghiệm, giao lưu và học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích trong nền văn hóa đầy màu sắc của Nhật Bản nhé!

Nguồn hình ảnh và thông tin về lễ hội được tác giả sưu tầm, tổng hợp trên Internet
Tác giả bài viết
ThS. Trần Tuấn Kiệt


Thông tin liên hệ:

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH

Địa chỉ: 300A Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4, TP. HCM

Tổng đài: 1900 2039

Hotline: 0902 298 300 – 0906 298 300 – 0912 298 300 – 0914 298 300

Website: ntt.edu.vn hoặc tuyensinh.ntt.edu.vn

Call Now