Ogawa Mimei (1882-1961) nhà văn Nhật Bản, là một tiểu thuyết gia đồng thời là cây bút chuyên viết truyện cho thiếu nhi. Mimei bắt đầu viết tiểu thuyết từ khi còn là sinh viên, nhưng đến năm 1926, ông chuyển hẳn sang lĩnh vực sáng tác cho trẻ em. Trong suốt cuộc đời mình, số tác phẩm viết cho thiếu nhi của Mimei ước chừng đến 1200 câu chuyện. Nhiều nhà phê bình gọi Mimei là “người cha của văn học thiếu nhi Nhật Bản” hay “Andersen của Nhật Bản”; song cũng có một số người chỉ trích ông khá nặng nề vì những câu chuyện về sự tàn lụi, cái chết,… được cho là không phù hợp với trẻ em.
Tuy nhiên, vị trí của Ogawa Mimei với văn học thiếu nhi Nhật Bản luôn là điều không thể phủ nhận. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như Ngọn nến đỏ và nàng tiên cá, Hoa hồng dại,… đã được dịch ra tiếng Việt. Lần này, tôi xin được giới thiệu một câu chuyện nổi tiếng khác của Mimei: Chén trà của lãnh chúa.
CHÉN TRÀ CỦA LÃNH CHÚA
Ngày xưa, ở một vùng kia có một nghệ nhân làm gốm rất nổi danh. Nhà ông nhiều đời chuyên làm đồ gốm, danh tiếng những sản phẩm gia đình ông làm ra vang đến tận những đất nước xa xôi. Mỗi đời gia chủ đều kiểm tra thật kỹ càng nguyên liệu đất sét lấy từ trên núi, thuê những người vẽ tranh đẹp nhất, cũng thuê rất nhiều thợ gốm.
Nhà họ làm ra rất nhiều sản phẩm gốm như bình hoa, chén, đĩa,… Hầu như không một du khách nào đến thăm vùng này mà không hỏi thăm về cửa hàng đồ gốm của gia đình họ và nhanh chóng tìm đến đấy.
“A, chiếc đĩa mới tuyệt vời làm sao! Còn cả chén trà nữa…”. Du khách vừa nhìn ngắm, vừa trầm trồ.
“Mua cái này về làm quà thôi!” Những người khách đến đây đều sẽ mua bình hoa, đĩa, chén hay một thứ gì đấy. Và vì thế, đồ gốm trong cửa hàng lại lên tàu đến những vùng đất khác.
Cho đến một ngày kia, có một vị quan thân phận rất cao xuất hiện ở cửa hàng. Ông gọi người chủ cửa hàng ra, vừa cẩn thận xem xét những món đồ gốm vừa nói:
“Quả thực là nung rất tốt, rất nhẹ, hơn nữa còn rất khéo, rất mỏng. Thế này thì ta có thể đặt hàng chỗ ngươi rồi. Thực ra, ta muốn ngươi cẩn thận chế tác một cái chén thật tinh xảo để dâng lên cho lãnh chúa dùng. Ta đến đây là vì chuyện ấy.”
Người chủ cửa hàng đồ gốm là một người đàn ông thành thực, ông thấp thỏm lên tiếng tạ ơn:
“Tôi sẽ cố gắng cẩn thận làm tinh xảo hết sức có thể. Đây thực sự là vinh dự cho tôi.”
Sau khi viên quan trở về, người chủ gọi tất cả mọi người trong cửa hàng đến, báo cho họ biết việc này rồi nói:
“Nhận được mệnh lệnh chế tạo chiếc chén cho lãnh chúa là một vinh dự vô cùng to lớn. Các ngươi cũng phải tập trung toàn bộ tinh thần để làm ra sản phẩm cao cấp nhất từ trước đến giờ. Vị đại nhân đấy nói phải nhẹ, mỏng mới tốt, đó mới là đồ gốm thực thụ.”
Rồi người chủ cửa hàng dặn dò những điều cần phải chú ý.
Mấy ngày sau, chiếc chén cho lãnh chúa hoàn thành. Lại có mấy vị quan đến cửa hàng. Viên quan hỏi:
“Chiếc chén cho lãnh chúa đã xong chưa?”
“Tôi cũng định hôm nay mang đến dâng lên cho ngài. Phiền đại nhân ghé đến nơi đây nhiều lần, thật khiến tôi sợ hãi.”
“Ngươi chắc chắn chiếc chén làm ra nhẹ và mỏng chứ”? Viên quan hỏi.
“Nó đây ạ”. Người chủ cửa hàng cho viên quan xem chiếc chén.
Đó là một chiếc chén cực kỳ cao cấp, rất nhẹ, rất mỏng. Thân chén trắng tinh, trong vắt. Bên trên chén có gia huy nhà lãnh chúa.
“Quả đúng là thượng phẩm. Âm thanh cũng thật dễ nghe”. Viên quan nói. Ông đặt chiếc chén trên lòng bàn tay, búng nhẹ thành chén.
“Đã không thể mỏng hơn, nhẹ hơn thế này nữa đâu ạ”. Người chủ cửa hàng cung kính cúi đầu với viên quan.
Viên quan gật đầu, bảo người chủ hãy nhanh chóng dâng chiếc chén này lên cho lãnh chúa rồi trở về.
Người chủ cửa hàng mặc hakama và khoác áo haori, cho chiếc chén vào cái hộp trang trí đẹp đẽ, dâng nó lên cho lãnh chúa.
Mọi người cũng xôn xao bàn luận về việc cửa hàng đồ gốm nổi tiếng trong thị trấn đã dốc sức chế tác ra một cái chén thật tinh xảo cho lãnh chúa.
Viên quan mang chiếc chén đến trước mặt lãnh chúa, thưa rằng:
“Đây là chiếc chén do người thợ làm đồ gốm nổi danh của nước ta đặc biệt chế tác. Nó được làm mỏng và nhẹ hết sức có thể. Không biết ngài thấy thế nào?”
Lãnh chúa nhận lấy chiếc chén. Nó quả thực là một chiếc chén rất nhẹ, rất mỏng. Cảm giác như hoàn toàn không cầm gì trên tay cả.
“Làm thế nào để phân loại chén tốt hay xấu?”, lãnh chúa hỏi.
“Tất cả đồ gốm đều lấy mỏng và nhẹ làm quý. Những chiếc chén dày và nặng thực sự không phải là đồ tốt”. Viên quan trả lời như vậy.
Lãnh chúa im lặng gật đầu. Và từ ngày hôm đó, trên mâm cơm của lãnh chúa luôn bày chiếc chén kia.
Lãnh chúa là một người có khả năng nhẫn nại rất cao, cho nên có khổ sở thế nào, ngài cũng không nói. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi ngài trở thành người nắm quyền lực cả vùng.
Lần này, từ khi chiếc chén mới và nhẹ được dâng lên, mỗi ngày ba bữa ăn, lãnh chúa luôn cảm thấy bàn tay nóng như bị lửa thiêu, nhưng ngài vẫn có thể chịu đựng không để lộ ra mặt.
“Thứ được gọi là món đồ gốm tốt, là thứ nếu không chịu đựng nỗi khổ sở này thì không thể thưởng thức hay sao?” Có khi lãnh chúa tự hỏi như vậy.
Lại có lúc, lãnh chúa nghĩ rằng “Không đúng. Có lẽ thuộc hạ của ta để ta chịu đựng cái nóng bỏng này là xuất phát từ lòng trung thành, nhằm nhắc nhở ta đừng quên những nỗi khổ đau”.
Và có khi, lãnh chúa lại cho rằng “Không, hẳn là không phải vậy. Mọi người tin tưởng rằng ta là một con người mạnh mẽ, nên chừng này không phải vấn đề gì.”
Tuy vậy, vào mỗi bữa ăn, hễ nhìn chiếc chén là sắc mặt lãnh chúa lại hiện mây đen.
Có một lần, lãnh chúa đến vùng núi du lịch. Chốn này không có lữ quán thích hợp cho lãnh chúa nghỉ lại, nên ngài đành ở nhờ nhà một thường dân.
Người này không nịnh bợ mà thực sự tốt bụng. Điều đó khiến lãnh chúa hết sức vui vẻ. Mặc dù muốn tiếp đãi lãnh chúa chu đáo, nhưng vì vùng núi nhiều bất tiện, nên ông ta không có gì để dâng lên ngài. Tuy vậy, lãnh chúa lại cảm thấy hài lòng vì sự chân thành của người này, nên cũng vui vẻ ăn bữa cơm tầm thường.
Thời tiết đã vào cuối thu, bắt đầu trở lạnh nên chén canh nóng khiến cả người trở nên ấm áp, cảm giác cực kỳ thoải mái. Chiếc chén rất dày nên không hề nóng tay chút nào.
Bấy giờ lãnh chúa mới cảm thấy cuộc sống của mình thật là đáng chán. Cho dù có nhẹ, có mảnh đến thế nào thì chén vẫn là chén. Ngài cảm thấy lấy việc nó nhẹ, mỏng làm quý, rồi nhất định phải dùng, đúng là chuyện cầu kỳ nực cười.
Lãnh chúa cầm chiếc chén trên mâm cơm của người dân thường lên, cẩn thận quan sát nó. Ngài hỏi: “Chiếc chén này do ai làm ra vậy?”
Người này thực sự hoảng sợ. Ông cúi đầu tạ lỗi vì đã thất lễ khi để lãnh chúa dùng một chiếc chén thô kệch.
“Thực sự xin lỗi vì để ngài dùng chiếc chén thô kệch như vậy. Tiểu nhân không nhớ đã mua món hàng rẻ tiền này trong lần nào lên phố. Lần này bất ngờ được lãnh chúa ghé thăm, tiểu nhân biết đây là vinh dự không gì kể xiết, nhưng tiểu nhân không kịp lên phố mua chén”. Người dân thành thực nói.
“Ngươi nói gì vậy chứ? Ta rất vui trước lòng tốt của các người. Trước giờ ta chưa từng vui vẻ như thế này. Mỗi ngày ta đều khổ sở vì chiếc chén của mình. Và ta chưa bao giờ dùng chiếc chén thích hợp như thế này cả. Vậy nên, ngươi hãy cho ta biết ai đã làm ra chiếc chén này, ta muốn biết điều đó”. Lãnh chúa nói.
“Tiểu nhân không biết ai làm ra nó. Loại hàng thế này đều do những người thợ vô danh làm ra. Mà ngay từ đầu, họ có nằm mơ cũng không ngờ được ngài sử dụng chiếc chén do chính tay họ tạo ra”. Người thường dân rụt rè nói.
“Dù là vậy nhưng họ cũng là người đáng khâm phục. Người thợ đấy đã làm ra chiếc chén không thể tốt hơn. Người đó hiểu rằng chén là thứ dùng đựng trà nóng, canh nóng nên đã làm ra thứ để mọi người có thể an tâm dùng trà nóng, canh nóng. Cho dù là nghệ nhân làm gốm nổi danh đến đâu mà không có lòng tốt bụng, thì cũng vô dụng cả thôi”. Lãnh chúa nói.
Lãnh chúa kết thúc chuyến du lịch, trở về cung điện. Các viên quan kính cẩn nghênh đón. Lãnh chúa không sao quên được người dân thường có cuộc sống đơn giản, nhẹ nhàng, không biết nịnh bợ nhưng lòng tốt thì khắc sâu trong tâm hồn.
Đến bữa ăn, trên mâm cơm lại bày chiếc chén là hình mẫu của nhẹ và mỏng. Nhìn thấy nó, sắc mặt lãnh chúa lập tức phủ đầy mây đen. Ông nghĩ, lại nữa, từ hôm nay lại phải chịu đựng cái nóng bỏng.
Một ngày nọ, lãnh chúa gọi người nghệ nhân làm gốm nổi tiếng đến cung điện. Chủ nhân cửa hàng đồ gốm cho rằng mình sắp được khen ngợi vì đã làm ra chiếc chén dâng lên lãnh chúa dạo trước, nên đến nơi mà lòng như mở hội. Lãnh chúa nhẹ nhàng nói:
“Ngươi là người làm gốm nổi danh, nhưng cho dù có khéo léo đến đâu, nếu không có tấm lòng nhân hậu thì cũng vô dụng. Ta vì chiếc chén ngươi tạo ra mà ngày nào cũng phải chịu đựng đau khổ.”
Người nghệ nhân làm gốm hoảng hốt rời cung điện. Kể từ đó, nghe đâu người nghệ nhân làm gốm nổi danh kia, trở thành một người thợ làm những chiếc chén dày tầm thường.
Link truyện gốc tiếng Nhật: https://www.aozora.gr.jp/cards/001475/files/51008_51567.html