[Bài viết song ngữ] PHONG TỤC HÔN NHÂN ĐỘC ĐÁO CỦA NHẬT BẢN THỜI HEIAN

Trước hết, đặc điểm hôn nhân của thời kỳ Heian theo chế độ đa thê, nghĩa là hôn nhân một chồng và nhiều vợ, người chồng có quyền lấy thêm vợ mới hoặc qua lại với cô gái khác trong khi đã có hôn nhân chính thức. Đặc điểm nổi bật thứ hai là hình thức rước con rể về nhà vợ gọi là “Shosekon” (Chiêu tế hôn), thay vì rước cô dâu về nhà chồng như ngày nay, bởi xã hội Heian lúc ấy là xã hội phụ quyền, coi trọng địa vị và quyền lực, mà nam giới chính là đối tượng cần phải có những điều ấy để rạng danh cho gia đình, dòng tộc của mình. Cuộc sống của người vợ xoay quanh chồng của mình, lệ thuộc vào người chồng, người chồng đóng vai trò trụ cột trong gia đình, con cái đều phải theo họ cha. Người vợ chính thức sẽ phụ trách các việc nội trợ trong gia đình, quản lý các phu nhân khác của chồng mình, sắp xếp và phân chia công việc cho người hầu. Trong một gia đình, nếu phu nhân nào có quyền lực và địa vị cao, có khả năng quản lý những người vợ khác, có thể lên kế hoạch cho các sự kiện trong gia đình, thì được xem như là vợ chính thức của người đàn ông đó, chứ không nhất thiết phải là người vợ lấy đầu tiên. Do vậy, người vợ này phải chịu trách nhiệm quản lý mọi việc trong gia đình. Trong cung đình, các quý tộc nam có đời sống phóng túng có thể qua lại với rất nhiều cô gái, nhưng những người cam kết chính thức với họ chỉ khoảng 2 đến 3 người. Giống như ở Trung Quốc thời ấy, khi người chồng có thêm người mới, giữa những người vợ thường có xu hướng xung đột, ghen tị lẫn nhau, thậm chí còn mưu hại nhau.

Những cuộc hôn nhân thường khá sớm, nữ giới khoảng từ 13 tuổi và nam giới khoảng từ 15 tuổi trở lên đã trở thành vợ chồng, trong giới quý tộc độ tuổi còn có thể sớm hơn, họ không quá coi trọng vấn đề tuổi tác của đối phương, bởi có những cuộc hôn nhân chỉ mang tính chất chính trị, giới cầm quyền gả con cho nhau chỉ nhằm để gia tăng quyền lực và củng cố thêm địa vị của dòng tộc trong triều đình. Tuy nhiên ngoài những cuộc hôn nhân sắp đặt ra, cũng có những cuộc hôn nhân hoàn toàn xuất phát từ tinh yêu đôi lứa, họ yêu nhau chân thành rồi mới đến với nhau, và thậm chí còn nhận được sự chấp thuận từ người vợ chính thức, lý do là bởi giới quý tộc đều là những người giàu có và đều có tài chính độc lập, cuộc sống của họ khá tự do thoải mái, kết hôn cũng dựa trên tình cảm là chủ yếu., chứ không phải kết hôn vì kinh tế, nếu có chỉ là kết hôn về mặt chính trị.

Hôn nhân là sự kiện trọng đại của đời người, đặc biệt là đối với nữ giới quý tộc, người chồng của họ được gia đình cẩn thận lựa chọn và tổ chức lễ ra mắt linh đình. Vị hôn phu của họ cũng cần phải thông qua sự đồng ý của cha mẹ, ông ba nội ngoại, cô chú, anh chị em trong gia đình,…mới tiến tới hôn nhân. Do đó, nếu đối tượng không được gia đình chấp thuận thì cô gái không được phép lấy làm chồng, và cũng không có chuyện bất chấp sự phản đối mà kiên quyết tiến đến hôn nhân. Một đặc trưng hôn nhân nữa mà chỉ có ở tầng lớp quý tộc thời này, đó là trước khi thành vợ chồng họ luôn được người khác mai mối, đó có thể là người thân trong gia đình, họ hàng,… thậm chí là người hầu trong nhà. Quá trình dẫn đến hôn nhân của cặp đôi cũng không hề dễ dàng, bởi vì nữ giới quý tộc không được lộ diện công khai, họ luôn phải che dấu khuôn mặt mình, nên nam giới tìm thấy người phù hợp đôi khi chỉ nhờ những ánh nhìn thoáng qua từ vóc dáng, mái tóc, trang phục, điệu bộ hay đơn giản chỉ nhờ mùi hương,… hoặc thậm chí chỉ qua lời đồn đại của những người xung quanh cô gái. Khi có được thông tin về cô gái, chàng trai sẽ gửi thư tình đến, nếu nhận lại được thư đồng ý gặp mặt, thì mới được đến phòng cô gái mình thương mến vào ban đêm. Nếu người đàn ông đã có vợ, trước khi gửi thư cho cô gái khác phải hỏi ý kiến của vợ mình xem có được chấp thuận không, và nếu được mới chọn ngày tốt để tìm đến cô gái. Điều này có nghĩa rằng người đàn ông đã có vợ không tự ý quyết định cô gái tiếp theo mình muốn lấy làm vợ, mà phải có được sự cho phép từ các người vợ khác. Sau khi được cho phép và chọn được ngày giờ tốt, người đàn ông sẽ đến ở cùng cô gái một đêm, sáng hôm sau khi thức dậy cả hai thường hát học đọc thơ cho nhau nghe, và sau đó người đàn ông sẽ đến gặp cô gái trong ba đêm liên tiếp. Vào ngày thứ ba cặp đôi chính thức trở thành vợ chồng sau khi cả hai cùng thực hiện nghi thức Roken no Shiki, nghĩa là lễ ra mắt (Lộ hiển nghi) và nghi thức Mikayo no Mochi no Shiki (Tam nhật dạ bính nghi), là lễ ăn bánh Mochi vào đêm ngày thứ ba.

Về phía nữ giới quý tộc, đặc biệt là công chúa hay con gái quý tộc, nhan sắc và tài năng của họ được đồn đại qua cha và những người thân trong gia đình, hoặc những người hầu, bà nhũ mẫu ra bên ngoài. Lúc ấy còn có cụm từ “Shiso no Reijo” (Thâm song lệnh nương) để chỉ những tiểu thư con nhà quyền quý sống ẩn mình ở căn phòng phía sau dinh thự của gia đình. Họ không nhìn thấy khuôn mặt của cha và anh em trai của mình cho đến tuổi cập kê, được gia đình nuôi dạy chu đáo, không để tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là nam giới. Thậm chí khi muốn ra ngoài họ cũng phải di chuyển bằng kiệu hoặc xe bò, chỉ người hầu và nhũ mẫu mới là những người tiếp xúc với cô gái nhiều nhất, họ cũng thường xuyên tiếp xúc với nhiều người hơn, nên nắm được nhiều thông tin hơn, chính họ là cầu nối trung gian đưa hình ảnh cô gái đến phái nam. Nam giới nhờ vậy mới biết được danh tính của cô gái, rồi mới gửi thư tình đến, lá thư của người đàn ông phải thông qua sự kiểm tra của các các phu nhân trong gia đình và nhũ mẫu trước khi chính thức trao đến tay cô gái. Những người phụ nữ này sẽ kiểm tra xem văn phong lá thư như thế nào, khả năng sử dụng waka có điêu luyện hay không, chữ có đẹp không, xem địa vị tính cách có phù hợp với cô gái hay không, người đàn ông này liệu có triển vọng thăng tiến trong sự nghiệp hay không,… nếu kết quả tốt thì lá thư mới được trao tận tay cô gái. Do vậy, trước khi tiến tới hôn nhân cả nam giới và nữ giới phải trải qua nhiều “thủ tục” khá phức tạp. Một điều nữa là trong xã hội quý tộc lúc ấy, phụ nữ có xu hướng tránh mặt trực tiếp với nam giới và những người xung quanh, cho nên hiếm khi đàn ông cùng thế hệ có thể quen biết được với cô gái đồng trang lứa, do vậy mà sự chênh lệch về tuổi tác cũng không quá hiếm vào thời này.

Nam giới khi nghe nói về một cô gái nào đó, họ tìm mọi cách để nhìn thấy được cô gái, sau đó nếu thấy thích thì họ gửi thư cầu hôn. Cô gái sau khi được thông qua mọi sự cho phép từ gia đình thư gửi thư đồng ý, trong ba đêm liên tiếp  người đàn ông liên tục qua lại với cô gái ấy, thì đó chính là dấu hiệu cho thấy người đàn ông đã sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân. Trong khoảng thời gian này, cô gái không được cho phép tiếp một người đàn ông khác, không trả lời thư từ của bất cứ ai nữa. Một cô gái đang trong giai đoạn tìm hiểu yêu đương với một người đàn ông, trước cửa phòng của họ được cắm một ngọn đuốc trong vòng ba đêm, để chàng trai khác biết mà né tránh. Đây vừa là dấu hiệu cho thấy cô gái là hoa đã có chủ, vừa là  một phong tục thể hiện ước nguyện của phụ nữ về sự viên mãn trong hôn nhân. Vào đêm ngày thứ ba, cả hai cùng nhau ăn bánh mochi, và thực hiện nghi lễ Roken (lễ ra mắt) cha mẹ, họ hàng và người quen của cô gái và tổ chức một bữa yến tiệc. Hôn nhân của họ được công nhận từ đây.

Nam giới có thể lấy thêm nhiều vợ nhưng chỉ được sống chung với người vợ chính thức, người vợ chính thức ở đây không nhất thiết phải là người vợ đầu tiên, mà là người vợ có địa vị và quyền lực cao nhất trong gia đình, hoặc là người vợ được giao mọi quyền quản lý và quyết định trong gia đình đó. Điều đó có nghĩa là cần phân biệt vợ chính và vợ lẽ, người đàn ông có có thể qua lại với nhiều cô gái nhưng anh ta chỉ được sống với người vợ chính thức. Phong tục hôn nhân này lúc bấy giờ gọi là “Tsumadoi Kon” (Thê vấn hôn), có nghĩa là vợ chồng kết hôn với nhau nhưng không sống chung với nhau, các bà vợ lẽ sẽ sống ở gia đình đẻ của mình. Người chồng sẽ đến thăm họ khi được sự cho phép của người vợ chính thức, và việc thăm viếng phải coi ngày giờ tốt, đồng thời cần phải tránh những ngày giờ và hướng đi cấm kỵ. Kiểu hôn nhân này cho phép cả người vợ lẫn người chồng có thể thoát khỏi vòng ràng buộc của cuộc sống hôn nhân. Mục đích để thỏa mãn nhu cầu thể xác hơn là xuất phát từ tình yêu, chính phong tục hôn nhân có phần “phóng khoáng” này đã từng tồn tại và được xem như chuyện bình thường trong xã hội quý tộc giai đoạn này.

Nhật bản lúc ấy vẫn là một xã hội theo chế độ phụ hệ giống như Trung Quốc, dù rằng có những cuộc hôn nhân xuất phát từ tình yêu, nhưng đời sống sau hôn nhân đều phải đặt lợi ích của cả dòng tộc lên hàng đầu, thế hệ hậu duệ cũng đều phải lấy họ cha. Nam giới giữ vai trò quyền lực nhất trong gia đình, họ luôn được coi trọng và ưu tiên hơn phụ nữ, tương lai của họ luôn được đề cao và hướng đến sự thăng quan tiến chức.

Ths Trần Thị Huệ

Call Now