SỰ THẬT THÚ VỊ VỀ NGÀY TẾT Á ĐÔNG

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi khi nhiều ý kiến cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập trong 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, nhiều điển tích (như Bánh chưng Bánh dày) cho thấy người Việt đã ăn Tết từ thời Vua Hùng, có nghĩa là trước thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Cho dù còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc của Tết nhưng nhìn chung, Tết của người Việt Nam và Trung Quốc có cả những nét tương đồng và đặc trưng riêng.

1. Tên gọi Tết Nguyên Đán
Đã bao giờ bạn thắc mắc, tên gọi Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ đâu? “Nguyên Đán” là từ Việt gốc Hán. Trong đó, chữ “Nguyên” có nghĩa là “đầu tiên, bắt đầu”, chữ “Đán” là “buổi sáng”. Tết Nguyên Đán có nghĩa là “Buổi sáng khởi đầu của một năm, bắt đầu của tiết Xuân”. Ngoài ra, Chữ “tết” là một từ Việt được đọc chệch từ chữ “tiết” của Hán ngữ.

2. Sự tích lì xì
“Lì xì” đầu năm là một phong tục truyền thống với mong muốn mang lại nhiều may mắn cho mọi người trong năm mới. Tục “lì xì” là một nghi thức đặc biệt đối với trẻ con. Theo các câu chuyện cổ tích kể lại, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao Thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon, khiến chúng bị bệnh hoặc kém minh mẫn. Vì thế những gia đình có trẻ nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình. Một gia đình nọ có hai vợ chồng kia rất hiền lành, tốt bụng nhưng ngoài 50 tuổi mới sinh được một cậu con trai. Vào một đêm Giao Thừa, có 08 vị tiên đi ngang qua, thấy gia đình sắp gặp đại nạn nên, họ liền hoá thành 08 đồng tiền vàng ở cạnh cậu bé. Cặp vợ chồng thấy có 08 đồng tiền vàng liền gói vào giấy đỏ và đặt dưới gối cậu con trai. Chính các đồng tiền đó đã bảo vệ cậu bé khỏi yêu quái. Vì thế nhiều người cho rằng những bao lì xì đỏ sẽ mang lại may mắn và những điều tốt lành cho năm mới.

3. Theo truyền thuyết, Tết Nguyên Đán có 7 ngày nghỉ
Theo truyền thuyết Trung Hoa, ngày đầu tiên khai thiên lập địa sinh ra giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày Mùng Một cho đến hết ngày Mùng Bảy để vui chơi, nghỉ ngơi và trở lại làm việc vào ngày Mùng Tám.

4. Lễ cúng ông Công ông Táo
Dân gian quan niệm rằng, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn Ông Táo về trời. Trong ngày này, các gia đình thường thu dọn nhà cửa và bếp núc sạch sẽ để khi lên thiên đình, ông Táo sẽ báo cáo những điều tốt đẹp trong năm cũ và cầu xin một năm mới may mắn, bình an.
Theo truyền thuyết thì hàng năm, ông Táo đều cưỡi cá lên chầu trời. Chính vì vậy, lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp sẽ được đặt trong bếp và không thể thiếu những con cá chép.

5. Khay bánh kẹo mứt Tết
Trong những ngày Tết, các gia đình thường bày lên các khay bánh kẹo tại phòng khách. Thói quen này không chỉ đơn thuần để tiếp khách đến thăm nhà. Màu sắc rực rỡ và số lượng của các loại bánh kẹo biểu tượng cho sự may mắn và con cháu sum vầy. Ngoài ra, người Việt và Hoa cũng thích ăn các loại hạt trong ngày Tết nhằm mưu cầu thuận lợi trong việc sinh con đẻ cái.

Nguồn tổng hợp

Call Now