Trong lịch sử Nhật Bản, tục lệ nhuộm răng đen, gọi là “Ohaguro” (お歯黒 – Xỉ hắc) vốn đã có từ lâu đời, thông qua những dấu vết trên xương người chôn cất trong các mộ cổ hoặc các hình nhân bằng đất sét (Haniwa), do các nhà khảo cổ học khai quật được, ohaguro có niên đại từ thời Kofun (Giữa thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VI). Tục này cũng được tìm thấy dưới nhiều hình thức khác nhau, điển hình như văn học, nhiều tác phẩm truyện kể dân gian đề cập đến Ohaguro, trong đó có “Truyện Genji”, tiểu thuyết cổ nhất thế giới của Nhật Bản viết vào đầu thế kỷ XI. Ngoài ra, ohaguro còn được xem là cách thức làm đẹp lưu truyền lâu đời nhất ở Nhật Bản, được đề cập trong Kojiki (Cổ sự ký), tồn tại và kéo dài qua hàng thế kỷ, sau đó biến mất hoàn toàn vào thời kỳ Minh Trị.
Bàn về nguồn gốc thực sự của tục Ohaguro, một số nhà nghiên cứu vào thời kỳ Minh Trị đã đưa các giả thuyết liên quan, trong đó có ba luồng ý kiến chủ yếu. Thứ nhất, dựa vào thuyết Nhật Bản cổ đại, các nhà khoa học nhận định rằng ohaguro là tục lệ bản địa, xuất hiện ở ngay trong lòng nước Nhật, là một sáng tạo tinh thần, khởi nguồn từ quá trình sinh tồn và lao động của người Nhật cổ đại. Thứ hai, dựa vào thuyết du nhập từ đại lục, giới khoa học cho rằng ohaguro vốn là tục lệ đến từ Trung Quốc, xâm nhập vào biên giới Nhật Bản vào thời kỳ Nara, thời điểm mà nước này bắt đầu tiếp thu rầm rộ các trào lưu văn hóa của Trung Quốc, tục lệ này truyền từ Ấn Độ đến đại lục, thông qua Triều Tiên rồi mới du nhập vào Nhật Bản. Thuyết thứ ba, là thuyết phương Nam, với thuyết này tục ohaguro du nhập cùng với luồng văn hóa đến từ các dân tộc Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan,… được truyền bá vào Nhật Bản trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Trong rất nhiều giả định liên quan đến nguồn gốc và lịch sử ra đời của tục lệ này, ý kiến hợp lý hơn cả là được du nhập từ bán đảo Triều Tiên bởi các dân tộc phương nam vào thời kỳ Nara.
Sau khi giao lưu với các dân tộc láng giềng, người Nhật đã tiếp thu phương pháp nhuộm răng, bởi trước đó vào thời cổ đại họ nhuộm răng bằng thực vật hoặc hoa quả, kể từ sau thời kỳ Nara người ta bắt đầu sử dụng dung dịch sắt để nhuộm đen răng. Một trong những dấu mốc mà lịch sử Nhật Bản ghi nhận là vào thời kỳ Nara, trùng với khoảng thời gian mà tượng Đại Phật của chùa Todaiji được xây dựng, có một nhà sư từ Trung Quốc tên là Ganjin đến Nhật Bản, sau đó chính ông đã truyền bá cách thức nhuộm răng đen từ dung dịch sắt. Do đó, tục ohaguro chính là một nét văn hóa đặc sắc, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa các xu hướng nhuộm răng của bản địa lẫn ngoại nhập.
Ohaguro khi du nhập vào Nhật Bản, được hấp thụ và biến đổi theo thời gian trở thành tục lệ độc đáo của phụ nữ Nhật Bản. Trong chương 6 có tên “Wamyo Ruijusho” (和名類聚鈔- Hòa Danh Loại Tụ Sao) của cuốn từ điển cổ nhất Nhật Bản được xuất bản năm 938 (năm Johei thứ 7), do Minamoto no Shitago viết, đề cập đến tục lệ nhuộm răng ở vùng Tokai. Người dân nơi đây sử dụng cỏ để nhuộm răng, thời ấy người ta gọi nhuộm răng như một trào lưu phổ biến là “Kujio” (久路女- Cửu Lộ Nữ).
Khi tục ohaguro xuất hiện, trước tiên người Nhật cổ xem đây là phương pháp bảo vệ răng, để chống sâu răng, làm thơm miệng và phòng ngừa các bệnh liên quan đến răng miệng. Sau đó, phái nữ áp dụng như một hình thức làm đẹp độc đáo, không thể thiếu cho diện mạo bên ngoài của họ. Nhuộm răng để che đi những khuyết điểm về răng như răng xấu, không đều, xỉn màu,…khiến cho hàm răng trông dịu dàng và thanh thoát hơn. Hàm răng là điểm chú ý đầu tiên của người khác khi nhìn vào khuôn mặt của cô gái, do đó nhuộm răng đen có nhiều công dụng hơn cả việc bảo vệ răng. Bởi lúc ấy, quan niệm về cái đẹp của người Nhật rất đặc biệt, họ cho rằng người có tướng miệng đẹp được coi là người có ngoại hình, vì vậy phụ nữ Nhật Bản nhuộm răng đen để che đi những khuyết điểm của hàm răng, đồng thời nâng cao vẻ đẹp nữ tính của mình lên. Thêm nữa, một trong những lý do khiến tục Ohaguro có được chỗ đứng vững chắc là bởi vì trong hàng trăm năm qua, người Nhật tin rằng màu đen chính là màu sắc đẹp nhất, sang trọng và quý phái nhất. Khác với quan niệm hiện tại, hàm răng trắng sáng lại là tiêu chuẩn của vẻ đẹp.
Nguyện liệu để nhuộm răng gồm hai thành phần là Ohaguromizu (nước nhuộm răng) và Fushinoko (bột Ngũ bội tử). Nước nhuộm đen là dung dịch với thành phần chính là Axit axetic có trong đinh cũ, kim sắt đã bị hỏng hoặc trong giấm. Những túi nhộng hình thành do sâu Ngũ bội tử kí sinh trên cành cây và lá non của cây Muối, có hình dạng như những chiếc kén, chứa nhiều chất Tannnin, được dùng để chế tạo mực và thuốc nhuộm, trước đây dùng để nhuộm răng đen. Người ta sấy khô và tán Ngũ bội tử thành bột, trộn trong dung dịch chứa sắt để làm thuốc nhuộm răng đen hay thuốc nhuộm vải,… Chất Tannin chứa trong bột Ngũ bội tử có hiệu quả trong việc phòng ngừa sâu răng và các bệnh về răng miệng.
Trong thời kỳ Heian, tục lệ này lan rộng ra tới tầng lớp thượng lưu, cả nam giới và nữ giới bước vào độ tuổi trưởng thành từ 15 đến 17 tuổi đều nhuộm răng đen để cho thấy là đã trưởng thành. Sau đó, trải qua thời gian độ tuổi nhuộm răng đen thấp dần, thời đại Muromachi là từ 13 đến 14 tuổi, vào thời Sengoku con gái của tướng quân nhuộm răng từ năm 8 tuổi với mục đích hôn nhân chính trị. Trong các bức chân dung vẽ tướng quân Yoshimoto Imagawa, hàm răng của ông cũng được nhuộm đen, một phần là vì ông thuộc tầng lớp quý tộc, thứ hai là biểu hiện của nam giới đã trưởng thành. Kể từ thời Heian, Nhật Bản ở vào giai đoạn phong kiến, sự phân hóa giàu nghèo và đẳng cấp trong xã hội ngày một cao hơn, văn hóa được định hình phần lớn bởi giai cấp quý tộc sống trong hoàng cung, thì mục đích và ý nghĩa của ohaguro cũng dần thay đổi theo. Ohaguro không đơn thuần là phương pháp làm đẹp và bảo vệ răng nữa, thay vào đó là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành. Nếu như ngày nay bằng chứng duy nhất để nhận biết sự trưởng thành là phải thực hiện nghi thức trưởng thành gọi là “Seijinshiki”, thì lúc bấy giờ, có nhiều nghi lễ và cách thức để nhận biết được độ tuổi trưởng thành của cả nam giới và nữ giới, và tục ohaguro là một trong những dấu hiệu quan trọng đó. Trong tầng lớp quý tộc thời Heian, tục lệ Ohaguro chính là một bằng chứng của sự trưởng thành. Thời bấy giờ, cả nam giới và nữ giới từ độ tuổi 15 đến 17 buộc phải nhuộm rằng đen. Đối với các Hoàng tử và Công chúa có thân phận cao quý, độ tuổi nhuộm răng còn có thể sớm hơn. Vào thời kỳ Sengoku, trẻ em dưới 10 tuổi được nhuộm răng đen và được công nhận là đã trưởng thành, nên buộc phải kết hôn đã gia tăng quyền lực chính trị của dòng tộc. Cuối thời kỳ Heian, phong tục này trở nên phổ biến trong tầng lớp thượng lưu, không phân biệt lứa tuổi, kể cả người lớn.
Vào thời đại Edo, tục lệ này lan rộng đến tầng lớp thường dân, hầu hết những phụ nữ có gia đình đều nhuộm răng đen, nam giới hầu như không còn để răng đen, mà chỉ giới hạn ở phụ nữ đã kết hôn. Ngược lại, phong tục này biến mất trong tầng lớp quý tộc và Samurai. Thậm chí, vào thời này chỉ cần nhìn phụ nữ có nhuộm răng hay không, thì có thể biết được công việc của họ, chẳng hạn như ở Edo, chỉ có gái làng chơi ở khu đèn đỏ Yoshiwara mới nhuộm răng, còn nữ giới làm nghề geisha thì không nhuộm. Tuy nhiên, ở Kyosaka, cả gái mại dâm lẫn geisha cũng nhuộm răng. Do đó, có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa các vùng miền. Trong thời Edo, việc nhuộm răng đen không hẳn chỉ để làm đẹp, mà cũng trở thành dấu hiệu nhận biết phụ nữ đã có gia đình. Tục lệ này chính là một lời nguyện thề với ý nghĩa là chung thủy với một người chồng duy nhất. Điều này có thể nhìn thấy qua tranh khắc gỗ (Ukiyoe), hình ảnh về việc chữa trị bệnh, làm sạch răng bằng tăm, và tục lệ nhuộm răng đen của phụ nữ. Lối sống của giai cấp thượng lưu dần thâm nhập vào đời sống của dân chúng nhiều hơn trước, Ohaguro phổ biến ra toàn bộ đất nước vào năm Genroku trong thời Edo. Kể từ sau khi lan rộng đến tầng lớp dân thường, phụ nữ nhuộm răng sau khi đính hôn hay kết hôn, để đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong cuộc đời mình, lâu dần trở thành một hình thức làm đẹp thanh lịch và biểu hiện của phụ nữ đã có gia đình. Vào năm thứ ba thời Minh Trị (1870), triều đình chính thức ban bố lệnh xóa bỏ tục lệ nhuộm răng, cấm nhuộm răng đen đối với hoàng gia và quý tộc. Theo đó, văn hóa Ohaguro đã suy giảm trên toàn bộ đất nước, và nửa sau thời Minh Trị chỉ còn tồn tại ít ỏi ở một số vùng như Tohoku. Vào đầu thời kỳ Showa, Ohaguro đã biến mất hoàn toàn ở ngày cả vùng Tohoku. Sau công cuộc cải tổ đất nước, chính phủ đưa ra hoàng loạt chính sách canh tân, xóa bỏ những tục lệ cổ hủ như việc búi tóc, mang theo kiếm, và nhuộm răng đen đã bị cấm. Cho đến thời Taisho hoàn toàn biến mất trên toàn quốc.
Đối với người Nhật Bản xưa, mà đen là màu sắc tượng trưng cho sự thủy chung, sắt son, nguyện một lòng với một người duy nhất, không một màu sắc nào có thể trộn vào để làm thay đổi đi sắc đen, và theo thời gian sắc đen cũng ít phai tàn hơn so với màu sắc khác. Vì vậy, màu đen biểu hiện cho trái tim đầy kiêu hãnh của phụ nữ đã kết hôn. Dù tục lệ này ngày nay chỉ có thể tìm thấy trong sách báo hay tài liệu lịch sử, nhưng xét về khía cạnh văn hóa, ohaguro đã tồn tại và phát triển như một nét tinh hoa độc đáo của Nhật Bản, khó có thể trộn lẫn với bất cứ một quốc gia dân tộc nào.